Nếu có một ngày môi trường quanh ta tràn ngập rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy. Nguồn sống của nhiều sinh vật nguy hại, nguồn nước bị ô nhiễm, các loài cây cũng chết dần bởi các mảnh đất khô cằn đầy rác, các loài động vật và con người sẽ ra sao?
Rác thải nhựa trôi nổi trên biển hay chìm dưới đáy đại dương, hay nằm ở bất cứ nơi nào đều đang giết chết dần mạng sống của nhiều loài sinh vật. Hàng triệu tấn nhựa được tiêu thụ và thải ra môi trường mỗi năm, vậy trong khoảng 500 năm chờ đợi chúng phân hủy, thì chúng đang ở đâu? Giải pháp nào sẽ xử lý được vấn nạn này?
Hình ảnh minh họa: Các sản phẩm làm từ nhựa
1. Sứ mệnh của nhựa
Khi nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, nhựa xuất hiện ở nhiều nơi trong mọi ngành nghề và dần có xu hướng thay thế các sản phẩm sử dụng nguyên liệu truyền thống như kim loại, gỗ, thủy tinh,… thành các sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa. Bởi chúng có độ bền tốt, khả năng chống thấm cao, chống va đập tốt, giá thành rẻ,… nhờ những ưu điểm nổi trội này mà chúng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống.
Trong công nghệ thực phẩm, chúng được ứng dụng làm bao bì thực phẩm giúp bảo quản thực phẩm ở chất lượng tốt nhất, tránh các ảnh hưởng xấu từ môi trường.
Các ưu điểm nổi trội còn giúp nhựa là lựa chọn hàng đầu trong ngành công nghiệp nước uống đóng chai,…
Trong ngành vật liệu xây dựng, người ta sử dụng nhựa trên mái nhà giúp tản nhiệt cực kỳ hiệu quả…
Nhựa được sử dụng trong gia đình trở thành các vật dụng được con người sử dụng hàng ngày.
Ngoài ra nhựa còn xuất hiện ở rất nhiều các ngành nghề khác, trong linh kiện điện tử, máy móc, các khu công nghiệp, nhà máy,…
Chúng phát triển rộng rãi như vậy là bởi tính tiện lợi, dễ sử dụng, nhỏ gọn và giá thành rẻ nên ngày càng được ưa chuộng trong cuộc sống. Tuy nhiên, đi cùng những ưu điểm nổi bật đó, nhựa lại có nhược điểm lớn đó là khả năng khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.
2. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, số phận của chúng đi về đâu?
Thời gian phân hủy một số loại rác thải nhựa
Khác biệt với những loại nguyên liệu khác, nhựa cực kỳ khó phân hủy. Chúng phải mất hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm để phân hủy bởi cấu trúc rất chắc chắn và có độ bền cao, rất khó xé rách hay đứt gãy trong điều kiện thường. Liên kết carbon giữa các phân tử trong sợi nhựa rất bền vững. Đó chính là lý do nhựa khó phân hủy.
Túi nilon phân hủy cần 10 – 100 năm tùy thuộc vào điều kiện môi trường.
Nắp chai nhựa cần 100 – 500 năm.
Chai nhựa cần 450 năm -1000 năm tùy điều kiện môi trường.
Túi nhựa cần 500 năm – 1000 năm.
Vậy trong khoảng thời gian chờ đợi nhựa phân hủy thì chúng sẽ nằm ở đâu?
Theo thống kê của Tổ chức Hòa bình xanh, mỗi năm có 6,4 triệu tấn rác đổ xuống biển, trong đó có khoảng 4-5 triệu tấn là chất dẻo và khoảng 4,5 triệu tấn rác này chìm xuống đáy đại dương. Tại vùng biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha người ta nhận thấy khoảng 75% số cá thể rùa nuốt phải rác thải nhựa có thể bị tắc đường tiêu hóa và chết. Không chỉ như vậy, chúng cũng là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn 1 triệu con chim biển và hơn 100.000 các động vật có vú ở biển. Nhựa ở trong lòng đất còn làm khô kiệt và hạn chế các chất dinh dưỡng của cây, dẫn đến môi trường sống của nhiều sinh vật bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều loại nhựa đang được sử dụng thường xuyên nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn những chất gây ung thư làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Không thể phủ nhận, chúng là một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại nhưng cũng là một hệ lụy lớn nhất của nhân loại khi trái đất đang gồng mình gánh tải hàng tỷ tấn rác thải nhựa. Để rồi đằng sau nó là những hậu quả khủng khiếp tới môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc tìm kiếm ra giải pháp mới để cải thiện tình trạng này là điều cần thiết.
Sự phổ biến của nhựa đã gây ra hệ lụy to lớn và chúng đang ngày một phủ trắng trái đất. Nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, là một loại hỗn hợp hydrocacbon cực kỳ khó phá vỡ. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm chúng mới bị phân hủy, bạn có biết rằng, những sản phẩm nhựa ra đời đầu tiên vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay không?
3. Nhựa được chế tạo từ chiết xuất quả chanh và khí CO2
Cả thế giới đang kêu gọi một lối sống xanh, sống sạch, nói không với các túi nhựa, sử dụng túi giấy để bảo quản thực phẩm, hay tái sử dụng các đồ dùng nhựa,… nhằm giảm thiểu các loại rác thải nhựa ra môi trường. Một loại nhựa mới thân thiện với hệ sinh thái được các nhà khoa học nghiên cứu và phát hiện ra bằng cách chiết xuất từ quả chanh và CO2. Loại nhựa này có thể thay thế cho các loại sản phẩm nhựa có chứa chất gây ung thư, đang được sử dụng rộng rãi trong các vật dụng hàng ngày.
Bisphenol-A là một chất gây ung thư có trong nhựa. Nhưng thật đáng buồn vì mỗi năm lại có hàng triệu tấn polycarbonate có chứa bisphenol - A được sản xuất ra trên khắp thế giới. Viện Nghiên cứu Hóa học Catalonia ở Tây Ban Nha đã nghiên cứu ra một phương phát sản xuất polycarbonate từ quả chanh và CO2, đây hoàn toàn là những sản có trong tự nhiên rất nhiều. Trong quả chanh còn chứa chất có thể thay thế một thành phần nguy hiểm đang được dùng trong các hợp chất polycarbonate thương mại là bisphenol – A hay còn gọi là BPA. Chất này được cơ quan của Mỹ và Châu Âu phân loại là an toàn, tuy nhiên có một số nghiên cứu chỉ ra BPA là một chất có thể phá hủy nội tiết tố, là chất độc thần kinh và có khả năng gây ung thư.
Có nhiều quốc gia đã cấm sử dụng BPA trong các sản phẩm nhựa dùng cho trẻ em bởi nó vẫn gây ra những mối lo ngại và được sản xuất từ dầu mỏ. Phương pháp nghiên cứu chất được tách từ quả chanh và cam này sẽ mang đến cho chúng ta những sản phẩm nhựa tốt hơn từ thiên nhiên.
Viện Nghiên cứu Hóa học Catalonia thành công chế tạo ra loại chất dẻo thân thiện với môi trường, không chỉ vậy họ còn cải thiện đặc tính về nhiệt của nó. Loại chất dẻo này có nhiệt độ chuyển pha thủy tinh cao nhất từng được báo cáo cho một hợp chất polycarbonate. Loại nhựa này sẽ chảy khi ở nhiệt độ cao hơn và nó sẽ an toàn hơn khi sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó loại nhựa mới này có thể cung cấp vô số ứng dụng mới cho polycarbonate và nhựa copolymer nhờ các công thức vật liệu phù hợp.
Nhựa chưa bao giờ là một vật liệu thân thiện với môi trường và các loài động vật kể cả con người. Điều kinh khủng thật sự là con người đang dần “bóp chết” nguồn sống của chính mình. Sự thiếu hiểu biết không phải là một cái cớ để biện minh cho sự vô ý thức của mỗi người và nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất nhựa cũng có rất ít tác dụng cho việc cải thiện tình trạng ô nhiễm và thậm chí nó còn làm tồi tệ hơn. Tác hại của nhựa gây ra cho chính sức khỏe và môi trường rất nhiều khó có thể đếm hết được. Mỗi người hãy thay đổi thói quen tiêu dùng và nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên để bảo vệ chính mình và môi trường sống xung quanh!